Bàn về chuyện Phong thủy nhà bếp
Bếp là linh hồn của ngôi nhà vì thế bếp vẫn luôn được đầu tư nhiều nhất cả ở góc độ kiến trúc và kinh tế. Quanh bếp luôn có nhiều câu chuyện thú vị, buồn vui…
Nói gì thì nói, bếp vẫn là quan trọng nhất trên nhiều phương diện. Bếp là trung tâm, là linh hồn của ngôi nhà; là nơi gia đình quây quần sum họp. Cũng vì thế mà bếp vẫn luôn được đầu tư nhiều nhất cả ở góc độ kiến trúc và kinh tế. Với cả kiến trúc sư thiết kế hay người sử dụng, quanh bếp luôn có nhiều câu chuyện thú vị, buồn vui…
Chuyện 1: Hướng
Về mặt lý thuyết phong thuỷ, ba yếu tố quan trọng của ngôi nhà là môn – táo – chủ. Theo đó bếp (táo) đứng hàng thứ hai. Tuy nhiên thực tế nhà ở đô thị không phải lúc nào cũng có thể chọn được hướng hay vị trí cửa chính (môn), nên nhiều khi bếp là vấn đề quan trọng hơn cả. Bếp ở trong nhà mình nên dù sao cũng dễ bề xoay sở hơn. Hướng bếp luôn là một trong những yêu cầu đầu tiên gia chủ đặt ra cho kiến trúc sư – thậm chí dù chưa biết cấu trúc, mặt bằng công năng ngôi nhà; vị trí phòng bếp ở chỗ nào, tầng nào, quan hệ thế nào với giao thông và không gian khác…
Hướng bếp (cùng hướng cửa, hướng bàn thờ…) luôn là quyền phán của thầy… địa lý. Không nhiều kiến trúc sư nắm rõ về phong thuỷ để có thể giải quyết đồng bộ phong thuỷ và kiến trúc. Mà kể cả kiến trúc sư có am hiểu phong thuỷ đôi khi cũng vẫn phải theo lời phán của “thầy” coi hướng, đúng thì chả sao, khác thì e hơi… nóng mặt. Nhưng có một yêu cầu trước dù sao vẫn tốt, để có định hướng mà thiết kế. Điều dở nhất là những gia chủ đặt thiết kế trước rồi cầm bản vẽ đi coi hướng, gây rất nhiều khó khăn cho kiến trúc sư. Và nhiều trường hợp khi phương án thiết kế sơ bộ đã rất ổn, bị đảo lộn hoàn toàn cả công năng và hình thức chỉ vì điều chỉnh hướng bếp. Oái oăm hơn, có những gia chủ yêu cầu hướng chính xác từng li từng tí, chéo – lệch – xiên bao nhiêu độ. Kết quả là kiến trúc, nội thất rất vô lý và phi thẩm mỹ với những bức tường lệch, tủ bếp vẹo vọ, trong khi đất thẳng, vuông góc.
Phong thuỷ rất linh hoạt, không bao giờ cứng nhắc. Giải bài toán phong thuỷ và kiến trúc càng phải linh hoạt. Hướng có như thế nào cũng không được bỏ qua hay xem nhẹ các yếu tố chuyên môn kiến trúc: Sự tiện lợi trong sử dụng, thông thoáng – chiếu sáng tốt, hệ thống kỹ thuật đảm bảo, và thẩm mỹ.
Chuyện 2: Nơi chốn
Bếp nằm ở đâu, ở vị trí nào trong nhà? Với nhà lô phố kiểu cũ, thì môtíp thường thế này: Phòng khách và để xe phía ngoài, bếp phía trong, cầu thang và vệ sinh ở giữa. Nhưng trong những căn hộ chung cư hiện đại gần đây mới xây dựng, có rất nhiều căn hộ có bếp phía ngoài, ngay ở sảnh vào. Lý do là không gian phòng khách (sinh hoạt chung) và bếp là một không gian lớn liên thông, mà chỉ có một hướng thoáng do đặc điểm kiến trúc, nên phòng khách được ưu tiên ra sát ra phía cửa sổ, ban công, lô gia. Xu hướng gần đây bếp hay liền với không gian sinh hoạt chung để có một không gian rộng, đẹp và tiện sinh hoạt gia đình, nên bếp hay được đẩy lên lầu 1. Bởi với nhà lô có diện tích không lớn, tầng trệt không đủ chỗ cho yêu cầu để xe (bắt buộc), bếp và sinh hoạt chung. Nhưng với các bà nội trợ, việc đẩy bếp lên lầu 1 cũng có thể là điều bất tiện khi đi chợ về phải leo cầu thang (càng ngại với thang cao, nhiều bậc). Thêm nữa, thói quen và văn hoá chợ búa, ăn uống của ta khác… Tây và không bao giờ giống Tây. Làm bếp, nếu như cần… vặt lông gà, ăn ốc luộc… thì ở tầng trệt, mang ra sân, ra hiên (nếu có) vẫn sướng hơn. Nhưng – lại nhưng – nếu nhà có người ở lầu 3 mà phải xuống tầng trệt để ăn quả cũng là rất khổ. Khi đó, giải pháp đưa bếp lên lầu hợp lý hơn. Khu vực bếp gần nhà vệ sinh cũng tiện lợi nhưng bàn ăn thì không nên gần quá.
Bếp ở trước hay sau, tầng trệt hay tầng lầu tuỳ từng hoàn cảnh, tuỳ theo kiến trúc tổng thể ngôi nhà, nhưng đều phải đảm bảo thuận tiện cho sử dụng, cho giao thông và các mối liên hệ với không gian khác. Và nơi chốn của bếp, cùng bàn ăn phải ở chỗ có thể tạo được một không gian thoải mái, ấm cúng cho sự sum họp gia đình.
Chuyện 3: Kiểu, hay là phong cách
Phòng bếp là một thành phần của ngôi nhà, ngay cả có ngăn cách độc lập (có vách, cửa) thì cũng phải theo phong cách chung của nhà, của các không gian khác – đặc biệt là không gian liền kề như phòng khách, phòng sinh hoạt chung. Trong bếp, tất cả mọi yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau để tạo nên một thể thống nhất. Để có một căn bếp đẹp, có phong cách phải tính toán kỹ càng từ khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu, thiết bị, đồ nội thất phù hợp. Hệ thống tủ bếp hình gì, làm bằng gì, màu gì; tay nắm ra sao; rồi thì mặt đá, gạch ốp tường, màu sơn tường, trần, sàn, chiếu sáng như thế nào… Tất cả là một tổng thể không tách rời. Thông thường, hệ thống tủ bếp như thế nào phụ thuộc vào kiến trúc, hướng bếp và ý đồ sắp xếp nội thất. Mặt bằng tủ bếp có các dạng hình chính là: chữ I (1 vế), chữ L (2 vế), chữ U (3 vế), hoặc song song.
Bếp trong những căn hộ, nhà phố, biệt thự mới xây gần đây thường mang phong cách hiện đại. Có thể nhận thấy hệ thống tủ bếp được sơn màu sáng thay vì màu gỗ nâu truyền thống, cánh tủ trơn phẳng. Vật liệu mới cũng được ứng dụng nhiều như gạch thuỷ tinh mosaic, kính chịu nhiệt được ốp giữa tủ trên tủ dưới, thay vì gạch ceramic quen thuộc. Quầy bar là một thành phần gắn liền tủ bếp khá thông dụng, vừa làm chức năng ngăn chia bếp với không gian khác, vừa là nơi chuyển tiếp đồ ăn, hay là bar theo đúng nghĩa – để ngồi uống.
Với những căn bếp có diện tích tương đối thoải mái, đảo bếp – một thành phần tủ bếp độc lập nằm giữa không gian – cũng rất tiện ích cho việc gia công, soạn đồ ăn. Đảo bếp cũng là tủ chứa dụng cụ làm bếp và đồ ăn khô.
Chuyện 4: Thiết bị và phụ kiện
Bây giờ, nói tới bếp, ai cũng ngầm hiểu là một hệ thống kiến trúc – nội thất – thiết bị – kỹ thuật cùng vận hành chứ không đơn thuần là một cái bếp để nổi lửa, đặt nồi. Một hệ thống bếp thông thường phải có các thiết bị sau: tủ lạnh, chậu rửa, bếp gas (âm bàn), hút mùi. Lựa chọn thiết bị phù hợp cả tính năng kỹ thuật, thẩm mỹ và kinh tế cũng không hẳn là dễ. Cách đây chưa lâu, hệ thống tủ bếp thường được thiết kế theo cách “chừa” một ô rộng khoảng 65 – 70cm để tủ lạnh. Ô này nằm ở đầu hay cuối hệ thống tủ bếp. Nay tình hình đã khác, nhiều tủ lạnh hai cánh cỡ lớn (tủ side by side) xuất hiện trên thị trường, nhu cầu người sử dụng tăng. Tủ loại này có chiều rộng trụng bình là 90cm. Vậy là rất nhiều nhà phải “chặt” tủ bếp khi “lên đời” tủ lạnh. Những thiết kế mới cũng phải tính tới điều này, và như một lẽ tự nhiên, tủ lạnh loại này hay tách rời khỏi hệ thống tủ bếp do chiều sâu lớn hơn chiều sâu tủ bếp (chiều sâu tủ bếp chuẩn là 60cm), khi đặt vào sẽ lồi ra ngoài, không thẩm mỹ.
Hệ thống tủ bếp cũng có thể tiện ích hơn rất nhiều với những phụ kiện đi kèm như tay nâng cánh, ray trượt êm, giá thông minh trong hộc tủ để đồ ăn, để dụng cụ.
Cách đây mấy hôm, trước khi viết bài này, tôi có một anh bạn gọi điện hỏi về bếp. Chuyện là anh đang xây nhà, và đến giai đoạn hoàn thiện anh thấy đơn vị thi công điện chờ sẵn cơ man nào là ổ điện ở khu vực bếp. Anh không liên lạc được với người thiết kế nên hỏi tôi sao nhiều thế. Tôi trả lời rằng phải xem cụ thể thiết kế mới biết ít nhiều thế nào, nhưng có thể nói sơ qua là cần điện cho những thiết bị sau đây: Tủ lạnh dĩ nhiên cần nguồn điện. Ở tủ bếp dưới cần nguồn cho bếp (nếu sử dụng bếp gas + điện, lò nướng điện), nguồn cho lò vi sóng (nếu thiết kế vị trí ở tủ dưới), máy nghiền rác dưới chậu rửa… Ở tủ trên cần nguồn cho hút mùi, cho máy sấy bát, nguồn cho đèn soi chậu rửa, nguồn cho đèn các khoang cần chiếu sáng… Trên bề mặt bếp cần ổ cắm nồi cơm điện, máy pha cà phê, máy xay sinh tố, bình đun nước nóng siêu tốc, máy khử ozone… Anh bạn nghe xong ngẩn người: Ôi thế á!
Tất nhiên không phải bếp nào, nhà nào cũng cần đủ nguồn điện cho tất cả các loại thiết bị. Nhưng khi thiết kế phải tính toán kỹ càng và kiến trúc sư cần trao đổi với chủ nhà về nhu cầu hiện tại cũng như tương lai. Nếu có sự chủ động và chuẩn bị tốt, thì khi bổ sung thiết bị, hay “lên đời” sẽ giảm thiểu việc gặp khó khăn.
Thiết kế một căn bếp không khó, để tiện dụng cũng không khó vì thiết bị đã hỗ trợ quá nhiều. Nhưng thiết kế bếp để cùng chủ nhà có thể thổi hồn vào, để bếp trở thành trung tâm ngôi nhà, chắc là không dễ!
Theo KTS Nguyễn Trần Đức Anh
Sài Gòn Tiếp Thị
Tags: bố trí phòng bếp, cải tạo phòng bếp, hướng phòng bếp, phòng bếp hợp phong thủy, phòng bếp theo phong thủy, phong thủy cho nhà ở, phong thủy học, phong thủy làm nhà, phong thủy nhà, Phong Thủy Nhà Ở, phong thủy nhà đất, phong thủy phòng ăn, phong thủy phòng bếp, phong thủy sân vườn, phong thủy trong nhà, vị trí phòng bếp, xây nhà theo phong thủy, xem phong thủy làm nhà, xem phong thủy nhà, xem phong thuỷ nhà ở, xem phong thủy nhà đất
Source: Tu Bep – Tu Bep Go – Tu Bep Dep
Leave a Reply